BỘT LÁ CẨM - TẠO VẺ ĐẸP TINH TẾ CHO MÓN ĂN VÀ LÀM CHO LÀN DA TRẮNG MỊN
Bột lá cẩm - Tạo vẻ đẹp tinh tế cho món ăn và làm cho làn da trắng mịn
Cây Lá Cẩm còn gọi là Lá Cẩm, có tên khoa học là Peristrophe Roxburghiana, tên tiếng Anh là Magenta plant, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Ô rô. Lá Cẩm trồng ở nhiều nơi tại vùng Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và Đài Loan. Lá Cẩm gồm hai loại là Magenta plant là một loại thực vật lâu năm, có thể đạt chiều cao tới 50–100 cm. Lá dài 2–7.5 cm và rộng 1–3.5 cm. Hoa hai thùy, có thể dài tới 5 cm; màu đỏ tươi đến đỏ tím. Dưới đây là Hình ảnh cây lá cẩm.
Công dụng của Lá Cẩm:
Lá Cẩm có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng thanh phế nhiệt chỉ khái (giảm ho) chỉ huyết (cầm máu). Nếu phối hợp với các vị thuốc khác trị được các chứng viêm phế quản nhiều đườm, tiêu lỏng, xuất huyết, chấn thương gân, cơ bị bầm dập. Lá cẩm còn được người dân tộc làm nước để tắm cho trẻ con khỏi rôm sảy. Do có những đặc tính quý nên Cây Lá Cẩm Tím và Cây Lá Cẩm Đỏ khi được dùng để tạo màu cho món ăn như: Xôi Lá Cẩm, xôi ngũ sắc, mứt dừa, thạch rau câu, các loại bánh... làm cho món ăn có một vẻ đẹp tinh tế, thêm thơm ngon hấp dẫn mà lại không gây độc bởi lá cẩm rất lành tính.
Mọi người hay dùng Cây Lá Cẩm nấu xôi trong các dịp lễ trọng. Xôi lá cẩm tím hay xôi đỏ có màu rất đẹp và hương vị xôi ngon hơn, mát không gây nóng cổ.
Xôi lá cẩm
Cách lấy màu Lá Cẩm nấu xôi
- Lá Cẩm Tươi hoặc Khô ta rửa sạch, đun sôi cùng lượng nước vừa đủ ngâm gạo, khi nước sôi đun nhỏ lửa, lá tươi trước khi đun ta nên vò nhẹ cho lá dập chút xíu. Thời gian đun với lá khô cần nhiều hơn lá tươi (lá tươi đun nhỏ lửa chừng 10 phút, lá khô khoảng 15 phút để lá tiết ra sắc tố màu đẹp mắt).
Trong cách lấy màu lá cẩm, lưu ý rằng Lá Cẩm là màu hữu cơ, nên gặp nhiệt độ cao kéo dài màu sẽ kém tươi tắt, vì vậy khi đun nước cây lá cẩm cần đun nhỏ lửa, vừa đủ sôi là được.
Chắt lấy nước rồi lọc qua để lá vụn không lẫn vào gạo khi ngâm. Gạo nếp sơ chế sạch sẽ, nhặt sạch vỏ trấu hoặc sạn nếu có. Có thể ngâm trực tiếp gạo khô cùng nước lá cẩm còn âm ấm mà không cần đãi qua, ngâm trong vòng 6 - 8 tiếng vớt ra để ráo nước và bắt đầu đồ xôi. Khi ngâm xong không đãi lại bằng nước trắng để tránh phai màu lá cẩm. Nếu cần đãi sạn hay nhặt vỏ trấu sót lại, ta nhặt trong lúc ngâm với nước lá cẩm. Trong cách nấu xôi nếp lá cẩm ngon, ngoài cách làm màu nước lá cẩm và kỹ thuật ngâm gạo, nếu có bộ Chõ xôi gỗ để đồ xôi thì ta sẽ có một chất lượng xôi lá cẩm tuyệt vời.
Công dụng của Lá Cẩm: Lá cẩm có tác dụng gì ? Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy trong lá cẩm có thành phần chất Anthocyanin - một hợp chất màu hữu cơ có tính kháng khuẩn, kháng nấm, có khả năng hấp thụ tia UV nhằm bảo vệ tế bào da trước các tia tử ngoại. Đối với sức khỏe con người, Anthocyanin có tác dụng tốt trong chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển của các khối u, bướu, hạn chế nguy cơ bị đột quỵ, giảm nguy cơ mắc ung thư… Anthocyanin còn giúp bảo vệ dạ dày chống lại những thương tổn do sự oxy hóa, vì vậy hoãn lại giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày, ung thư ruột. Vì vậy ngoài tác dụng trị bệnh, dùng tạo màu cho thực phẩm thì Lá Cẩm sửu dụng để rửa mặt sẽ giúp làn da trắng sáng mịn màng.
Cách làm đẹp da bằng Lá Cẩm:
- Rửa lá cẩm bằng nước sạch, sau đó cho vào ấm đun nước hay cái nồi sạch. Rồi đổ 1,5l nước sạch đun sôi rồi vặn nhỏ lửa khoảng 5 phút sau tắt bếp.
- Đợi nước nguội bớt, gạn lấy 1 lượng nước vừa đủ để rửa mặt như bình thường mà không cần phải rửa lại bằng nước sạch, số nước còn lại có thể để vào để tủ lạnh và dùng dần trong 3, 4 ngày.
- Khi đun lá cẩm xong thì nước có màu tím sẫm nếu bạn nấu đặc (cho ít nước khi đun), còn khi bạn cho nhiều nước sẽ có màu đỏ tím. Nhưng theo kinh nghiệm nên nấu đặc sẽ có tác dụng hơn.
Cách bảo quản Lá Cẩm:
Lá Cẩm là loại dễ bảo quản nên có thể tích trữ dùng dần mà chất lượng màu sắc vẫn đảm bảo. Sắc tố màu trong cây cẩm rất hợp với môi trường lạnh, càng ở nhiệt độ thấp sự bảo tồn màu càng cao và bền lâu.
- Cách 1: Lá cẩm tươi chưa dùng hết ta không nên rửa, dùng giấy báo gói kín để ngăn mát tủ lạnh được khoảng 5-10 ngày. Nếu lá cẩm để tủ lạnh bị khô thì vẫn sử dụng được, miễn là lá không bị thối do dính nước.
- Cách 2: Lá cẩm có thể đun nước màu, để nguội, đóng vào các chai nhựa nhỏ để ngăn đá, làm cách này có thể giữ được khá lâu. Khi cần dùng ta dã đông chai nước lá cẩm, đun sôi lại, để nguội và sử dụng bình thường. Ngoài nhiệt độ cao thì ánh và tia bức xạ cũng làm ảnh hưởng đến màu lá cẩm. Vì thế lá cẩm tươi hay nước lá cẩm đóng chai nên gói kín, tránh ánh nắng mặt trời.
Nhìn chung Lá Cẩm tươi sử dụng cho chất lượng màu đẹp hơn so với Lá Cẩm khô hoặc bột lá cẩm.
Bột lá cẩm
Tuy nhiên trong trường hợp không có lá tươi, ta vẫn có thể sử dụng lá cẩm khô hoặc bột lá cẩm, bởi nó cho màu sắc ở mức chấp nhận được, ngoài ra lá cẩm phơi khô còn có ưu điểm trong cất trữ bảo quản và vận chuyển đi xa.